Việc học giống như đi thuyền ngược nước, không tiến lên ắt phải lùi''

Ngày 05 tháng 02 năm 2025

 » Văn bản chỉ đạo

Văn bản chỉ đạo

Cập nhật lúc : 14:57 28/12/2023  

QUY CHẾ CHI TIÊU NỘI BỘ Năm 2023

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP HUẾ

TRƯỜNG MN VÀNH KHUYÊN

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                     QUY CHẾ CHI TIÊU NỘI BỘ

(Ban hành kèm theo quyết định số 01/QĐ-MNVK ngày 03 tháng 01 năm 2023)

CHƯƠNG I: NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1: Mục đích xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ:

-  Việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ nhằm tạo quyền chủ động trong việc quản lý và chi tiêu tài chính cho Thủ trưởng đơn vị.

-  Tạo quyền chủ động cho cán bộ, viên chức trong đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.

-  Là căn cứ để quản lý, thanh toán các khoản chi tiêu trong đơn vị, thực hiện kiểm soát của KBNN; cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính và các cơ quan thanh tra, kiểm toán theo quy định.

-  Sử dụng tài sản đúng mục đích, có hiệu quả.

-  Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

-  Công bằng trong đơn vị; khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi, thu hút và giữ được những người có năng lực trong đơn vị.

Điều 2: Nguyên tắc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ:

-  Quy chế chi tiêu nội bộ phải đảm bảo đơn vị sự nghiệp có thu hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện hoạt động thường xuyên phù hợp với hoạt động đặc thù của đơn vị, sử dụng kinh phí có hiệu quả và tăng cường công tác quản lý tài chính.

-  Quy chế chi tiêu nội bao gồm các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu áp dụng thống nhất trong đơn vị. Quy chế chi tiêu nội bộ được xây dựng phù hợp với hoạt động của đơn vị, phải ưu tiên chi nghiệp vụ để đảm bảo chất lượng chuyên môn, tăng thu sự nghiệp; sử dụng tài sản, kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; tổ chức sắp xếp phân công lao động cho hợp lý; thực hiện công bằng trong đơn vị, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người lao động.

-  Quy chế chi tiêu nội bộ được thảo luận rộng rãi dân chủ công khai trong đơn vị sự nghiệp, có ý kiến thống nhất của tổ chức Công Đoàn và ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

-  Không được dùng kinh phí, vốn của đơn vị để mua sắm thiết bị, đồ dùng, tài sản trang bị tại nhà riêng cho cá nhân hoặc cho các cá nhân mượn dưới bất kỳ hình thức nào.

-  Quy chế chi tiêu nội bộ ổn định trong ba năm; tuỳ theo tình hình thực tế và khả năng tài chính trong từng thời điểm, đơn vị sẽ điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Điều 3: Các tiêu chuẩn, định mức và nội dung chi phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước gồm:

-   Tiêu chuẩn về nhà làm việc.

-      Tiêu chuẩn, định mức trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động.

-   Chế độ quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao.

-   Kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu Khoa Học Cấp Nhà Nước, Cấp Bộ, cấp ngành.

-   Chế độ chính sách thực hiện tinh giảm biên chế.

-  Vốn đầu tư xây dựng cơ bản; vốn đối ứng dự án và vốn viện trợ.

-  Kinh phí mua sắm và sửa chữa lớn TSCĐ phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm phê duyệt.

CHƯƠNG II: NỘI DUNG QUY CHẾ CHI TIÊU NỘI BỘ

Điều 4: Nội dung và định mức chi hoạt động sự nghiệp

* Nội dung các khoản thu:

-   Kinh phí ngân sách cấp chi thường xuyên.

-   Thu học phí.

* Quy định định mức các khoản chi:

1. Các khoản chi cho người lao động:

a. Tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp:

-   Đối với cán bộ giáo viên, nhân viên:

+ Chi lương cơ bản theo chế độ quy định hiện hành của nhà nước. Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội sẽ được thanh toán theo chế độ Bảo hiểm xã hội hiện hành.

+ Phụ cấp chức vụ: Thực hiện theo Thông tư số 33/2005/TT-BGD&ĐT ngày 8/12/2005 của Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập.

+ Phụ cấp trách nhiệm: Thực hiện theo Thông tư số 05/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức. Kế toán được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc hằng tháng 0,1 so với mức lương cơ sở (theo quy định của Điều 8 Thông tư 04/2018/TT-BNV) được chi trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

+ Phụ cấp ưu đãi:

Đối với CBQL và GV thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Tính theo quy định hiện hành của Nhà nước bằng 35% mức lương chính hiện hưởng.

Đối với nhân viên y tế thực hiện theo Quyết định 276/2005/QĐ-TTg ngày 01/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ viên chức tại các cơ sở y tế của Nhà nước. Tính theo quy định hiện hành của Nhà nước bằng 20% mức lương chính hiện hưởng.

+ Phụ cấp thâm niên vượt khung, thâm niên nhà giáo: Thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

-  Đối với nhân viên bảo vệ:

+ Bảo vệ cơ sở chính: Chi tiền công hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định hiện hành của Nhà nước

+ Bảo vệ cơ sở lẻ: 500.000đ/ tháng, được trả bằng nguồn học phí.

-  Đối với nhân viên cấp dưỡng: thực hiện theo sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chi trả của nhà trường; được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định hiện hành của Nhà nước.

-  Đối với hợp đồng dọn dẹp vệ sinh: thực hiện theo sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chi trả của nhà trường.

b. Các khoản phải nộp theo lương: Trích nộp BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công Đoàn cho CBGVNV được thực hiện theo quy định của Nhà nước.

-  Kinh phí công đoàn: Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 119/2004/BTC-TLĐLĐVN ngày 08/12/2004 của liên bộ Tài chính – Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương theo ngạch bậc và phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp TNVK, TNNG.

-  Đóng BHXH, BHYT, HBTN: Thực hiện theo Luật bảo hiểm xã hội của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 và Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam:

         + Bảo hiểm xã hội: 25,5% trong đó người lao động đóng 8%, đơn vị đóng 17,5%.

         + Bảo hiểm y tế: 4,5% trong đó người lao động đóng 1,5%, đơn vị đóng 3%.

         + Bảo hiểm thất nghiệp: 2% trong đó người lao động đóng 1%, đơn vị đóng 1%.

c. Chi làm đêm, thêm giờ, thanh toán thừa giờ hành chính; trực lễ, bão lụt:

-  Người lao động phải làm thêm trong ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ thì được bố trí nghỉ bù những ngày tiếp theo, nếu không thể bố trí được nghỉ bù thì sẽ được thanh toán tiền làm thêm giờ, nếu vượt định mức phân công lao động theo Thông tư 28 BGD&ĐT. Số giờ làm thêm không quá 200 giờ /người/ năm.

-  Người lao động làm thêm giờ phải có đề nghị làm thêm giờ (hoặc yêu cầu làm thêm giờ) và phiếu báo làm thêm giờ của các bộ phận và phải được Hiệu Trưởng (người được uỷ quyền) duyệt. Đơn giá làm thêm giờ theo quy định hiện hành.

-  Trường hợp người lao động được huy động trực trong các dịp Lễ, Tết hoặc trực theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền thì được bồi dưỡng cho người trực ban ngày: 40.000đ/người/8 tiếng, trực đêm: (từ 19h đến 6h sáng hôm sau): 60.000đ/người /đêm (chỉ chi vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Tết…). Trực bão lụt, thiên tai: Mức chi bồi dưỡng cho người trực ban ngày: 50.000đ/người/8 tiếng, trực đêm: (từ 19h đến 6h sáng hôm sau): 60.000đ/người /đêm.

d. Chi sinh hoạt phí cán bộ đi học:

            Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của trường tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị hè, huấn luyện dân quân tự vệ, trung cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng cán bộ quản lý và các lớp bồi dưỡng khác theo quyết định của cấp trên được thanh toán chế độ theo quy định hiện hành tại quyết định số 46/2019/QĐ-UBND ngày 23/8/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

e. Tiền thưởng:

Thực hiện theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và phải phù hợp tình hình tài chính của đơn vị. Thưởng định kỳ cho tập thể, cá nhân theo hiệu quả công việc và thành tích đóng góp vào hoạt động của đơn vị dựa theo kết quả thi đua cuối năm học.

            - Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh: 3,0 lần mức lương cơ sở + thưởng CSTĐ cơ sở.

            - Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở: 1,0 lần mức lương cơ sở.

- Lao động tiến tiến: 0,3 lần mức lương cơ sở.

         * Thưởng đột xuất cho giáo viên:

         - Đạt giải Tỉnh: 300.000 đ/người

         - Đạt giải Thành phố: 200.000 đ/người.

2. Chi quản lý hành chính:

a. Chi thanh toán dịch vụ công cộng (điện, nước, vệ sinh môi trường): sử dụng điện, nước tiết kiệm

-  Thanh toán theo thực tế sử dụng, đơn giá theo quy định của bên cung cấp.

-  Hoá đơn tài chính hợp lệ.

b. Chi vật tư văn phòng:

Quán triệt việc sử dụng văn phòng phẩm: tiết kiệm giấy, bút, mực in, máy photocopy... chỉ được in các văn bản, tài liệu phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, tận dụng in hai mặt để tiết kiệm giấy, sử dụng các giấy tờ, mực in hợp lý, không sử dụng văn phòng phẩm của cơ quan cho cá nhân. Một năm cấp phát cho giáo viên 2 lần vào đầu HK1 và HK2, có sổ theo dõi cấp phát để quản lí. Định mức cấp phát văn phòng phẩm tương đương với giá trị: 100.000đ/ người/ học kỳ. Số tiền còn lại dùng để mua sắm vật tư văn phòng phẩm khác phục vụ việc chung của Trường hoặc tiết kiệm được sẽ dùng để tính vào thu nhập tăng thêm cho CBGV.

c. Chi phí điện thoại, internet:

-  Thanh toán theo thực tế khi gọi phục vụ cho công việc chung, mức bình quân không quá 300.000đ/ tháng.

-  Chi phí truy cập internet thanh toán theo hóa đơn thực tế.

d. Chi hội nghị, hội thảo, hội họp:

Thực hiện theo Điều 12 của Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND Thừa Thiên Huế, ngày 08/5/2018 quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên đian bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Giảm bớt các cuộc họp không cần thiết để tiết kiệm chi phí.

Mức chi cho Hội nghị: Khai giảng, Hội nghị CCVC, Sơ kết, Tổng kết năm học:

- Đại biểu: Không quá 100.000 đ/người/buổi.

- Nước uống: 20.000 đ/người/hội nghị.

- Tiếp khách: 300.000 đ/lần.

- Phục vụ: 30.000 đ/người/buổi.

Chi văn phòng phẩm, in ấn tài liệu phục vụ hội nghị, trang trí, tuyên truyền: theo thực tế hóa đơn và phải hết sức tiết kiệm.

e. Công tác phí:

-  Theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND Thừa Thiên Huế, ngày 08/5/2018 quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

+ Khoán chi cho Hiệu trưởng: 400.000 đ/tháng.

+ Khoán chi cho Kế toán: 400.000 đ/tháng.

+ Khoán chi cho Y tế + thủ quỹ: 300.000 đ/tháng.

+ Phó hiệu trưởng: 300.000 đ/tháng.

-  Các thành viên khác chi theo thực tế điều động đi công tác thuộc chế độ thanh toán công tác phí hiện hành.

f. Chi phí thuê mướn: Chi theo nhu cầu thực tế của đơn vị.

3. Chi hoạt động nghiệp vụ chuyên môn:

a. Chi mua hàng hóa, vật tư chuyên môn :

-  Chi mua hàng hóa vật tư, chi làm đồ dùng dạy học và làm đồ dụng dạy học cho các tiết thao giảng (đồ dùng sau khi dạy xong đưa và dùng chung). Trang thiết bị cho chuyên môn, ấn chỉ, tài liệu là các khoản chi thường xuyên cho công tác giảng dạy hoạt động chuyên môn nghiêp vụ. Các khoản chi này đơn vị sẽ mua và cấp phát theo yêu cầu sử dụng của từng nhóm lớp.

-  Người phụ trách chuyên môn tập hợp dự trù kinh phí của các tổ trình lãnh đạo phê duyệt mua và cấp phát theo nhu cầu sử dụng của từng nhóm lớp.

-  Thanh toán theo hóa đơn thực tế, chứng từ phải hợp lệ, hợp pháp.

-  Chi mua hoạt động chuyên môn phải có kế hoạch được phê duyệt.

b. Chi công tác thao giảng và tham gia dự thi các cấp:

-  Thao giảng cấp thành phố: Không quá 200.000đ/ tiết / giáo viên.

-  Tham gia dự thi giáo án điện tử; đồ dùng dạy học; Văn nghệ cấp thành phố: Không quá 200.000đ/ CBGV/ lần (Cấp Tỉnh, do ngành tổ chức).

-  Tham gia dự thi giáo viên  dạy giỏi cấp Tỉnh: Không quá 300.000đ/ giáo viên/ lần.

-  Mức thưởng cho cán bộ giáo viên đoạt giải cấp trường:

            + Tập thể: không quá  200.000 đ/ giải.

            + Cá nhân: không quá 150.000đ/ giải.

c. Chi tổ chức hoạt động ngoại khoá, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao:

-  Tất cả các hoạt động trên, ban tổ chức phải lập dự trù kinh phí  kèm theo danh sách CBGV, học sinh tham gia) và được Hiệu Trưởng phê duyệt trước khi thực hiện.

-  Các hoạt động phong trào như đưa học sinh dự thi…: 50.000đ/ buổi (đối với giáo viên không có tiết dạy), hỗ trợ tiền xăng xe: 30.000đ/ buổi đối với giáo viên đang có tiết dạy nhưng phải đưa học sinh đi thi (dạy chưa đủ tiết theo quy định).

-  Chi tập luyện ngoài giờ, các hoạt động phong trào (Thể dục thể thao, Tin học, Văn nghệ,...): 20.000 đ/học sinh (riêng học sinh tham gia TDTT: 30.000 đ).

4. Chi mua sắm TSCĐ và sửa chữa nhỏ TSCĐ:

-  Mua sắm tài sản cố định: Thực hiện theo quy định tại QĐ số 40/2010/QĐ-UB ngày 09/10/2010 của UBND tỉnh TT Huế v/v ban hành quy chế, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh TT Huế và các văn bản hiện hành của nhà nước (Có thẩm định giá đối với tài sản trên 100 triệu, mời các sở Ban ngành nghiệm thu và phải có đầy đủ chứng từ tài chính).

-  Sửa chữa nhỏ TSCĐ: Phải có bảng dự trù kinh phí chi tiết, được Thủ trưởng phê duyệt và thanh toán khi có Hoá đơn tài chính hợp pháp, hợp lệ.

5. Chi tiếp khách:

-  Chi tiếp khách phải thực hiện theo quy định của Bộ tài chính và quy định của UBND tỉnh, trên tinh thần tiết kiệm và có hiệu quả.

-  Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, Hiệu trưởng quyết định (tổng chi phí tiếp khách không quá 5% chi thường xuyên).

6. Các nội dung chi khác:

-  Chi bồi dưỡng hiến máu nhân đạo: 100.000 đồng/ người/ lần.

-  Chi cho tập thể giáo viên các ngày lễ: Tết dương lịch, Tết âm lịch, 30/4, 1/5,  20/11….Với số tiền từ 200.000 đến 500.000 đ/ người/ đợt. Ngoài ra còn tùy thuộc vào khả năng nguồn kinh phí hàng năm, thủ trưởng đơn vị thống nhất với công đoàn quyết định mức chi phù hợp.

-  Chi đồng phục cho CBGVNV số tiền 300.000 đồng/bộ/người.

-  Chi khám sức khỏe cho giáo viên: 250.000 đ/lần/năm.

-  Các khoản chi đột xuất khác do thủ trưởng đơn vị thống nhất với công đoàn để quyết định thực hiện.

7. Thu nhập tăng thêm:

- Toàn bộ kinh phí sau khi đã đảm bảo các hoạt động giảng dạy và học tập trên tinh thần tiết kiệm thì thu nhập tăng thêm được tính để chi trả cho CBGV tuỳ theo mức độ tiết kiệm được chi phí trong năm.

-  Tiền thu nhập tăng thêm không áp dụng cho các trường hợp sau:

+ Thời gian nghỉ ốm đau, không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên.

+ Thời gian nghỉ thai sản.

+ Cán bộ, giáo viên và nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ.

-  Mức chi thu nhập tăng được tính theo kết quả bình bầu thi đua hàng tháng, gắn với hiệu quả giảng dạy, công tác của từng thành viên và các tổ chuyên môn trong nhà trường. Người nào, tổ nào có thành tích tiết kiệm chi, có hiệu suất giảng dạy tốt, công tác cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn.

-  Mức chi do thủ trưởng cơ quan quyết định sau khi thống nhất ý kiến với cán bộ cốt cán của đơn vị.

-  Cuối năm kinh phí tiết kiệm chưa sử dụng hết sẽ được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.

CHƯƠNG III: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Đối với các nội dung chi tiêu chưa được cụ thể hóa trong quy chế chi

 tiêu nội bộ này thì do Hiệu trưởng quyết định.

Văn bản này được thông qua toàn thể Hội đồng nhà trường với 100% ý kiến đồng ý (có biên bản đính kèm). Trong quá trình thực hiện nếu có thay đổi lớn về cơ chế, chính sách tài chính thì sẽ sửa đổi, bổ sung xem xét kính trình cấp trên phê duyệt.

Ban giám hiệu, các tổ chuyên môn, các cá nhân trong đơn vị có trách nhiệm thực hiện quy chế này.

Nếu vi phạm quy chế chi tiêu nội bộ có liên quan đến các lĩnh vực đã có quy định của nhà nước thì xử lý theo quy định hiện hành.

Nếu vi phạm vượt định mức quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ đối với những lĩnh vực chưa có quy định của nhà nước thì đơn vị phải chịu trách nhiệm xử lý hoặc phải trừ vào kinh phí tiết kiệm năm sau.

Quy chế này được áp dụng kể từ ngày 01/01/2023 đến 31/12/2023 và thay thế các văn bản quy định trước đây trong cơ quan về chi tiêu nội bộ. Trong quá trình thực hiện nếu có sự thay đổi về cơ chế, chính sách tài chính thì tuỳ vào điều kiện thực tế sẽ được xem xét để điều chỉnh cho phù hợp.

CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN

 

HIỆU TRƯỞNG

 

 

 

Nguyễn Thị Kim Tiến

 

 

 

 

Lê Thị Nở

Số lượt xem : 13

Các tin khác