Văn hóa - Xã hội
Khoán trắng giáo dục con cho nhà trường
Nhiều phụ huynh cho rằng việc giảng dạy và giáo dục học sinh là trách nhiệm của nhà trường nên họ giao phó tất cả công việc hình thành nhân cách, tri thức của trẻ cho nhà trường.
“Cha mẹ cho con một hình hài, thầy cô cho con cả kiến thức”, lời bài hát ấy phần nào nói đến sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Để một đứa trẻ phát triển toàn diện, nhất thiết phải có sự phối hợp, gắn kết giữa gia đình và nhà trường.
Thế nhưng, khi đứa trẻ có vấn đề về đạo đức, nhà trường mời phụ huynh đến trao đổi thì nhận được không ít câu nói đại loại: “Con tôi ở nhà rất ngoan, nếu ở trường nó hư như vậy là tại thầy cô, bạn bè”. Cũng không ít người đã ứng xử thô bạo với con trước mặt giáo viên và học sinh khác khi được nhắc nhở về đạo đức hoặc thái độ học tập của chúng.
Một bộ phận khác lại giáo dục con theo cách riêng của gia đình, bất chấp sự phối hợp của nhà trường. Chúng tôi đã từng nghe trẻ tâm sự: “Ba con dạy có thể trung thực trong học tập nhưng không nên trung thực trong cuộc sống”. Thế nên mới xảy ra các trường hợp học sinh ăn cắp vặt đồ của căng-tin, nhặt được của rơi không trả lại người mất, ăn thua đủ với bạn bè…
Trong nhà trường, chúng tôi luôn giáo dục học sinh không chửi thề, không nói tục, không xả rác và phải biết xếp hàng khi mua quà bánh hoặc tham gia các hoạt động. Những quy tắc vô cùng đơn giản ấy tưởng chừng dễ thực hiện nhưng lại khó đạt hiệu quả vì thiếu sự hợp tác từ phía gia đình. Không ít lần chúng tôi chứng kiến cảnh trống đánh tan trường rồi mà chưa thấy học sinh về, vừa thấy bóng con, người bố đã lớn tiếng quát tháo: “Mày làm gì mà giờ này mới ra?”.
Trước cổng trường học nào cũng có khẩu hiệu “Cổng trường em sạch đẹp an toàn”. Thế nhưng, không ít phụ huynh khi mua quà bánh cho con trước cổng trường đã không tiếc tay vứt rác xuống đường mặc dù thùng rác đặt cách đó không xa. Trẻ học cách giữ vệ sinh môi trường và thực hiện rất tốt trong nhà trường. Được bố mẹ mua quà bánh, sau khi ăn xong, trẻ khư khư cầm vỏ trong tay định đến chỗ nào có thùng rác thì bỏ, bố mẹ liền yêu cầu: “Bỏ đại xuống đường đi”!
Ở trường, trẻ được giáo dục văn hóa xếp hàng từ việc di chuyển, mua quà bánh đến chuyện chờ đến lượt để tham gia các trò chơi. Thế nhưng, trong các buổi lễ hội có sự tham gia của cha mẹ thì chính phụ huynh là người phá vỡ những quy tắc đó. Chính phụ huynh là người chen lấn, xô đẩy và xả rác. Sợ con không mua được hàng, sợ con không tham gia được các trò chơi nên cha mẹ đã can thiệp quá sâu vào hoạt động của trẻ.
Trong việc dạy trẻ tiếp thu kiến thức, chúng tôi rất trân trọng những phụ huynh luôn quan tâm tình hình học tập của con, cùng giáo viên sắp xếp thời khóa biểu hợp lý ở nhà cho trẻ, luôn trao đổi với giáo viên những điều chưa rõ. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều phụ huynh vì bận lo toan cho cuộc sống mà khoán trắng việc giáo dục trẻ cho nhà trường. Có nhiều học sinh đã hết giờ học mà vẫn lang thang ngoài đường cho đến tối vì bố mẹ còn bận mưu sinh…
Số lượt xem : 281
Chưa có bình luận nào cho bài viết này